
Sắp tới, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân.
Nguyễn Thị Hà Thành và 12 bị cáo khác (trong số 26 người) có đơn kháng cáo. Phía bị hại là Ngân hàng PVcomBank, NCB, Việt Á cũng kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngoài ra, còn có 5 đại gia không được tòa sơ thẩm tuyên trả lại sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng, cũng có đơn kháng cáo về phần dân sự.
Trong bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội, có nêu một loạt sai phạm của nhóm cựu cán bộ 3 ngân hàng trên, trong đó có các bị cáo nguyên là nhân viên PVcomBank đã tạo điều kiện cho Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt tiền.
Theo bản án sơ thẩm, Đỗ Minh Đức là Giám đốc phát triển Trung tâm phát triển khách hàng doanh nghiệp miền Bắc của PVcomBank.
Nguyễn Thị Hà Thành có ý định và làm hồ sơ đề nghị vay 49,4 tỉ đồng cho Công ty Jeongho thanh toán tiền mua bán thép; tài sản thế chấp cho khoản vay là 3 sổ tiết kiệm của vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn (trị giá 52 tỉ đồng).
Ngày 17.10.2018, Bùi Văn Tuấn – chuyên viên khách hàng, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và báo cáo Đức. Nhóm nhân viên cấp dưới sau đó được giao nhiệm vụ đi lấy chữ ký của chủ 3 sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, nhóm này đưa hồ sơ cho Thành lấy chữ ký của vợ chồng đại gia hộ mình.
Thành và đồng phạm đã giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn vào hợp đồng cầm cố tiền gửi rồi đưa lại hồ sơ cho Tuấn mang về ngân hàng, cùng phong bì 5 triệu đồng cảm ơn.
Song, trong hồ sơ thiếu chữ ký của vợ chồng ông Toàn tại mục “Xác nhận của chủ sở hữu tài sản đảm bảo” trên “Đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ”. Tuấn còn tự ý bỏ “Biên bản giao nhận giấy tờ có giá” ra khỏi hồ sơ.
Khi trình hồ sơ, Tuấn nói rõ với Đức không trực tiếp gặp vợ chồng đại gia Toàn mà chỉ nhờ Thành cầm đi lấy chữ ký của họ. Bị cáo Đức mở máy tính, kiểm tra chữ ký mẫu trên hệ thống, sau đó ký duyệt đồng ý cấp tín dụng, giải ngân 49,4 tỉ đồng.
Bản án nhận định, Đức biết Tuấn không gặp khách hàng và người có tài sản đảm bảo; Hồ sơ phê duyệt cấp tín dụng còn thiếu 2 giấy tờ quan trọng là “Biên bản bàn giao giấy tờ có giá” và chữ ký của chủ sở hữu tài sản đảm bảo trên “Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ”, song vẫn cấp tín dụng.
Trong khi đó, bản án cho rằng, hồ sơ phê duyệt cấp tín dụng chưa đầy đủ, chưa thẩm định, Tuấn đã lập tờ trình lãnh đạo. Tuấn là người phải giám sát khách hàng (vợ chồng ông Toàn) ký trên hợp đồng cho vay và Hợp đồng cầm cố tiền gửi song lại đưa cho Thành lấy hộ chữ ký…
Đức và Tuấn trong quá trình tác nghiệp tín dụng hồ sơ vay của Công ty Jeongho đã không thực hiện đúng quy trình thẩm định, cấp tín dụng và giải ngân theo Luật Các tổ chức tín dụng, “gây thiệt hại cho PVcomBank 49,4 tỉ đồng”.
Hành vi đó của các bị cáo Đức và Tuấn “tạo điều kiện cho Hà Thành chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho Ngân hàng PVcomBanK”, bản án nêu.
Tuy nhận định về sai phạm trên của 2 cựu cán bộ PVcomBank, song Tòa sơ thẩm tuyên ngân hàng này được tiếp tục tạm quản lý 3 sổ tiết kiệm trị giá 52 tỉ đồng, mang tên vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn.
Dư luận cho rằng, nhóm cựu cán bộ ngân hàng trên mà làm đúng, siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành không có cơ hội chiếm đoạt tiền, gây hệ lụy đến nhiều cá nhân liên quan.