Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VERP), cho rằng: Chưa có đủ cơ sở khoa học và hiệu quả thực tiễn để đưa nước giải khát (NGK) có đường vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Không nên áp dụng đơn lẻ vội vàng chính sách thuế khi chưa có nghiên cứu kỹ và đánh giá đầy đủ tác động không mong muốn.

Thưa ông, kết quả khảo sát của VEPR cho thấy việc tiêu thụ NGK có đường tại Việt Nam như thế nào?

Khảo sát ngẫu nhiên của chúng tôi với 1.074 mẫu khảo sát trong nhóm sinh viên, học sinh, người trẻ tuổi đi làm khu vực miền Bắc (chủ yếu ở Hà Nội), cho thấy NGK có đường không phải là sản phẩm có đường được sử dụng nhiều nhất.

Theo thống kê, lượng đường và calo từ NGK tại Việt Nam hiện ở mức khá thấp so với các sản phẩm có đường khác. Do đó, NGK có đường chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể.

Theo đánh giá của ông, đánh thuế NGK có đường có làm thay đổi hành vi tiêu dùng, giúp kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì (TCBP) không?

Dựa trên các kết quả khảo sát, chúng tôi cho rằng, việc đánh thuế TTĐB đối với NGK có đường khó có thể mang lại hiệu quả rõ ràng trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng, và hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học cho thấy biện pháp này sẽ giúp kiểm soát tình trạng TCBP hiệu quả.

Trước hết, các chuyên gia y tế, kể cả WHO – đã chỉ rõ, nguyên nhân gây ra TCBP là sự mất cân bằng năng lượng, lượng calo nạp vào vượt quá lượng calo tiêu hao. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, NGK có đường lại có mức năng lượng thuộc hàng thấp nhất so với các sản phẩm có đường khác, chỉ khoảng 39 kcal/100g, trong khi sữa chứa tới 92 kcal/100g và thực phẩm dinh dưỡng lên tới 102 kcal/100g. Lượng đường trung bình trong NGK có đường cũng chỉ khoảng 9,63g/100ml, thấp hơn đáng kể so với sữa (16,1g/100ml) hay thực phẩm dinh dưỡng (18,56g/100ml).

Thứ hai, khảo sát của VEPR về hành vi tiêu dùng tại khu vực nông thôn và thành thị cho thấy, tại nông thôn – nơi tỷ lệ béo phì người trẻ tuổi thấp hơn – lại có mức lựa chọn tiêu dùng NGK có đường cao hơn. Ví dụ, ở mức lựa chọn tiêu dùng tần suất 4–6 sản phẩm/tuần, 26,45% người nông thôn tiêu dùng NGK có đường, trong khi tỷ lệ này ở thành thị chỉ là 23,73%.

Hơn nữa, nếu chỉ đánh thuế NGK có đường mà không mở rộng sang các sản phẩm chứa đường khác, thì không những không đủ sức thay đổi hành vi tiêu dùng, mà còn có thể gây hiểu nhầm rằng NGK có đường là nguyên nhân chính gây TCBP.

Do đó, việc đưa NGK có đường vào diện chịu thuế TTĐB là không đầy đủ cả về cơ sở khoa học lẫn hiệu quả thực tiễn. Chính sách nếu không đi kèm cách tiếp cận toàn diện sẽ khó đạt được mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng và kiểm soát béo phì trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, NGKCĐ không phải nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì.

Khi chưa có đủ cơ sở khoa học và hiệu quả thực tiễn, dự thảo đánh thuế NGK có đường có thể tạo ra những tác động không mong muốn nào, thưa ông?

Một trong những tác động không mong muốn chính là nguy cơ người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế không nguồn gốc, nhãn mác, thủ công như bánh kẹo, đồ ăn nhanh …mà không nhận thức rõ rủi ro sức khỏe, làm giảm hiệu quả chính sách.

Theo nghiên cứu, việc tăng giá NGK có đường thêm 10% có thể khiến mức tiêu thụ NGK giảm khoảng 20%. Điều quan trọng là sự sụt giảm này không đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ giảm lượng đường tiêu thụ, mà có thể chỉ đơn thuần là chuyển sang các sản phẩm thay thế rẻ hơn, ít được kiểm soát hơn. Cụ thể, trong số hơn 20% người tiêu dùng khi áp dụng mức thuế suất 10% thì đã có hơn 13% trong số đó lựa chọn sang các sản phẩm đồ uống thủ công thay thế, chỉ có 3% lựa chọn các đồ uống thay thế chính thống.

Trên góc độ kinh tế, việc áp thuế TTĐB lên NGK có đường vào thời điểm này có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP và thu ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế, đề xuất áp thuế NGK có đường đã được đưa ra từ gần 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua, phần nào cho thấy sự thận trọng là cần thiết.

Ông có kiến nghị gì nhằm đảm bảo chính sách thuế công bằng và hiệu quả?

Về thời gian về thuế suất trong dự thảo thuế TTĐB với ngành đồ uống, chúng tôi đề xuất cân nhắc lại lộ trình tăng thuế cho cả ngành đồ uống, đặc biệt chưa nên đưa NGK có đường vào diện chịu thuế với các lý do phân tích ở trên. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và cần nhiều sự hỗ trợ, việc áp thuế TTĐB ở mức cao và áp dụng ngay sẽ tác động mạnh đến ngành đồ uống và đến toàn bộ nền kinh tế

Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo theo Nghị quyết 192/2025/QH15 của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Tọa đàm “Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát” được tổ chức bỏi Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tại Hà Nội ngày 4/4/2025.

Theo ông, cần làm gì để có những chính sách hiệu quả kiểm soát thừa cân béo phì tại Việt Nam, tránh được những tác động không mong muốn?

Đầu tiên chúng ta cần xác định chính xác các loại sản phẩm tiêu dùng có hàm lượng đường cao. Nếu thực sự cần giải pháp điều tiết tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức, bảo vệ sức khoẻ người dân, thay vì chỉ áp thuế đơn lẻ.

Từ đó, cần xác định chính xác mối liên hệ của các nguyên nhân gây ra TCBP ở giới trẻ: Biện pháp can thiệp bằng pháp luật nếu cần thiết; Thiết kế chính sách có tác động đúng đến đối tượng là thực phẩm có đường, đồ uống có hàm lượng đường cao và có tần suất sử dụng cao.

Ngoài ra, việc quan trọng là thúc đẩy nhà sản xuất cơ cấu lại các nhóm sản phẩm, giảm lượng đường trong đồ uống, công khai thông tin về hàm lượng đường, kết hợp tuyên truyền & giáo dục người tiêu dùng chủ động thay đổi thói quen.

Để hỗ trợ quá trình này, cần có sự tăng cường phối hợp giữa nhà nước & doanh nghiệp trong phân loại nhóm thực phẩm theo hàm lượng đường/calo, từ đó nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất đến tiêu dùng.

Tóm lại, chính sách thuế cần được đặt trong bức tranh tổng thể về sức khỏe cộng đồng, kinh tế và công bằng trong thị trường, chứ không nên áp dụng đơn lẻ, vội vàng. Chúng tôi kiến nghị cần thêm thời gian để nghiên cứu kỹ hơn, xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng, và kết hợp với các biện pháp khác như tuyên truyền, giáo dục dinh dưỡng và vận động thể chất để hướng đến mục tiêu lâu dài, bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài viết liên quan
0966 986 165
Liên hệ