Tọa lạc gần cảng Cái Mép, một trong những cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam, nhà máy có diện tích gần 24.000 m², được trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại nhập khẩu từ Đức như hệ thống rang PROBAT, hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế và quy trình sản xuất hoàn toàn tự động hóa, đạt chứng nhận Bạc LEED.
Khi vận hành ổn định, nhà máy đặt mục tiêu đạt công suất lên đến 75.000 tấn cà phê mỗi năm.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông David Thái, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Highlands Coffee cho biết, nhà máy mới không chỉ là một cột mốc đầu tư mà còn là biểu tượng cho cam kết lâu dài của Highlands Coffee đối với ngành cà phê Việt Nam.
“Chúng tôi xây dựng nhà máy này với tâm thế gìn giữ giá trị truyền thống, đồng thời không ngừng đổi mới để phục vụ người yêu cà phê khắp nơi. Đây là nơi chúng tôi hòa quyện kỹ nghệ rang xay đậm chất Việt với công nghệ hàng đầu thế giới, để tạo nên những sản phẩm mang đậm bản sắc nhưng vẫn đáp ứng chuẩn mực toàn cầu”, ông David Thái nói.
Highlands Coffee được thành lập vào năm 1999, là một trong những thương hiệu tiên phong đưa mô hình chuỗi cửa hàng cà phê hiện đại đến với người tiêu dùng trong nước. Trong suốt 25 năm qua, thương hiệu này gắn liền với hình ảnh tách cà phê đậm vị Robusta Việt Nam, cùng thông điệp về kết nối cộng đồng, sẻ chia và gìn giữ tinh thần dân tộc.
Từ những ngày đầu còn non trẻ của thị trường cà phê chuỗi, Highlands Coffee đã mở rộng hơn 900 cửa hàng tại Việt Nam, định hình phong cách thưởng thức cà phê hiện đại nhưng vẫn không xa rời cội nguồn.
Điểm đặc biệt trong chiến lược phát triển sản phẩm của Highlands Coffee là luôn đặt hạt Robusta Việt Nam vào trung tâm. Đây được xem là biểu tượng cho sự bền bỉ, mạnh mẽ và chân thực của con người Việt, cũng là tinh thần mà thương hiệu này mong muốn thể hiện trong mỗi tách cà phê phục vụ đến tay khách hàng.
Việc đưa vào hoạt động nhà máy tại Cái Mép không chỉ là mở rộng quy mô sản xuất mà còn giúp Highlands Coffee nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng, đồng thời tối ưu logistics trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng cả trong và ngoài nước.
Với vị trí chiến lược gần cụm cảng, nhà máy có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu xuất khẩu, giảm chi phí vận chuyển và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Highlands Coffee cũng chú trọng phát triển mối quan hệ bền vững với nông dân trồng cà phê, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ vùng nguyên liệu đến khâu chế biến và phân phối. Thương hiệu này đặt mục tiêu không chỉ mang đến những sản phẩm chất lượng, mà còn lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần sáng tạo và sự kết nối, những yếu tố làm nên bản sắc cà phê Việt.
Trên hành trình mới, Highlands Coffee định hướng phát triển bền vững, lấy công nghệ làm nền tảng, lấy văn hóa bản địa làm cảm hứng và lấy khách hàng làm trung tâm. “Chúng tôi không chỉ bán cà phê mà muốn kể câu chuyện Việt Nam qua từng sản phẩm. Sự ra đời của nhà máy là bước khởi đầu để câu chuyện ấy được kể nhiều hơn, xa hơn và sâu sắc hơn”, ông David Thái nhấn mạnh.
Việc khánh thành nhà máy rang xay Highlands Cái Mép là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa khát vọng “quốc tế hóa” thương hiệu Highlands Coffee trong bối cảnh ngành cà phê Việt đang được chú ý nhiều hơn trên thị trường thế giới. Đây cũng là lời khẳng định cho năng lực sản xuất, cam kết chất lượng và vị thế của một thương hiệu nội địa đang dần trở thành biểu tượng mới của cà phê đặc sản Việt Nam.